Chính phủ New Zealand tiếp tục tài trợ để thực hiện Pha 3 của Dự án An toàn đập Việt Nam – New Zealand

Dự án An toàn đập Việt Nam – New Zealand là dự án hỗ trợ kỹ thuật do Chính phủ New Zealand tài trợ với mục tiêu giảm thiểu rủi ro và các tác động do sự cố vỡ đập gây ra. Dự án do Trường Đại học Thủy lợi, Công ty Damwatch và Viện nghiên cứu Khoa học trái đất, New Zealand phối hợp thực hiện từ năm 2012 cho đến nay: Pha 1 (2012-2015) và Pha 2 (2016-2022). Sau hơn 10 năm thực hiện, nhà tài trợ đánh giá cao các kết quả đạt được của Dự án và tiếp tục tài trợ 7,5 triệu NZD để triển khai Pha 3 nhằm đóng góp vào công tác quản lý an toàn đập, phòng chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai ở Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp Đại sứ New Zealand tại Việt Nam 

Ngày 19/7/2022 Đoàn Công tác của Chính phủ New Zealand do Đại sứ New Zealand tại Việt Nam - Bà Tredene Cherie Dobson làm trưởng đoàn, cùng các cán bộ của Chương trình Viện trợ Phát triển New Zealand đã có buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT – Ông Nguyễn Hoàng Hiệp về các kết quả của Pha 2 và các nội dung sẽ thực hiện trong Pha 3 của Dự án.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cảm ơn sự hỗ trợ của Chính phủ New Zealand và cho biết các kết quả của Pha 2 của dự án rất hữu ích cho công tác quản lý an toàn đập và đánh giá rủi ro, ngập lụt lưu vực sông Cả. Công cụ DRAPT và bản đồ ngập lụt đã được áp dụng thành công tại hai tỉnh là Nghệ An và Hà Tĩnh. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề xuất, dự án không chỉ dừng lại ở phạm vi hai tỉnh này mà cần được nhân rộng ra các tỉnh có đập trong phạm vi cả nước.

Đại sứ New Zealand tại Việt Nam – Bà Tredene Cherie Dobson đánh giá cao mối quan hệ giữa hai nước và đặc biệt là sự phối hợp giữa các bên để thực hiện các dự án, trong đó Dự án An toàn đập Việt Nam – New Zealand là một trong những dự án lớn nhất mà Chính phủ New Zealand dành cho Việt Nam. Mặc dù trong hai năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng Đại học Thủy lợi và các đối tác New Zealand đã rất nỗ lực trong việc triển khai và hoàn thành các hoạt động của dự án.

Ông Peter Amos, Giám đốc dự án phía New Zealand thông tin thêm về kế hoạch tiếp theo cho Pha 3 của Dự án. Theo đó, công cụ DRAPT sẽ được nâng cấp lên theo hướng IoT để dễ dàng triển khai, áp dụng nhân rộng và quản lý dễ dàng hơn; tiến hành song song việc nâng cấp là tiến hành đánh giá cho các đập ở nhiều địa phương và đào tạo, hướng dẫn sử dụng cho cán bộ địa phương; tiếp tục đánh giá rủi ro hạ du hồ chứa cho một số hồ chứa lớn có mức độ rủi ro cao.

Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao và thương mại New Zealand

Tiếp theo đó đoàn công tác của Chương trình Viện trợ Phát triển New Zealand và các chuyên gia thực hiện dự án đã có buổi làm việc với 2 Tổng cục (Tổng cục Thủy lợi  và Tổng cục Phòng Chống thiên tai) để giới thiệu về Pha 3 và trao đổi về các vấn đề ưu tiên của các tổng cục trong nội dung của Pha 3.

Buổi làm việc tại Tổng cục Thủy lợi

Ông Đồng Văn Tự - Tổng cục phó Tổng cục Thủy lợi đánh giá cao kết quả dự án và cho biết, một phần kết quả đã được đưa vào áp dụng tại 34 tỉnh tham gia dự án An toàn đập WB8 thông qua các công ty tư vấn. Ông hi vọng rằng, trong Pha 3 này thì sẽ triển khai áp dụng rộng rãi hơn. Các tài liệu, sổ tay hướng dẫn cần được in ấn để phổ biến, đào tạo cho các cơ quan quản lý tại địa phương.

Buổi làm việc tại Tổng cục Phòng chống thiên tai

Trong buổi làm việc với Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bà Đoàn Thị Tuyết Nga – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế cho biết Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu, thiên tai nghiêm trọng thường xuyên diễn ra trên khắp các vùng miền cả nước, có xu thế ngày càng gia tăng và khốc liệt trong những năm gần đây. Tổng cục mong muốn Dự án tiếp tục xây dựng tài liệu và triển khai các lớp tập huấn về Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trên phạm vi cả nước, đặc biệt liên quan đến loại hình thiên tai vỡ đập.

Chụp ảnh lưu niệm tại Tổng cục Phòng chống thiên tai

Tiếp theo chương trình, từ ngày 19-21/7/2022 Đoàn công tác của Chương trình Viện trợ Phát triển New Zealand đã có chuyến công tác tại Hà Tĩnh và Quảng Bình để tìm hiểu về việc áp dụng các kết quả kỹ thuật của Dự án đối với công trình Đập Ngàn Trươi và trao đổi cơ hội hợp tác với Tỉnh Quảng Bình trong Pha 3 của Dự án.

Một số hình ảnh của chuyến công tác của Đoàn tại Quảng Bình và Hà Tĩnh:

Ông Trần Hoài Nam – Phó Giám đốc và các cán bộ Sở Nông nghiệp và PTNT Tỉnh Quảng Bình tiếp đoàn

Đoàn Công tác đi khảo sát ở hạ lưu Đập Phú Vinh, Thành phố Đồng Hới, Tỉnh Quảng Bình

Đoàn công tác đi thực địa tại công trình đập Ngàn Trươi

Họp nhóm thực hiện dự án tại ĐHTL

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại Trường

                                                            Hồ Sỹ Tâm – Phạm Hoài Thương